Nhà vườn Hải Đăng

Hoa sao biển thối – Stapelia gigantea khiến lũ ruồi đê mê

V.T Hai08/09/2024
Interesting facts about plants

Hoa sao biển thối – loài hoa tuy bốc mùi hôi thối nhưng được cái đẹp.

Lại thêm một nhân tố bốc mùi khác, cây này có tên khoa học là Stapelia gigantea là một loài thực vật có hoa trong chi Stapelia thuộc họ La bố ma (Apocynaceae). Tên gọi phổ biến của cây này trong tiếng Anh bao gồm Zulu giant, carrion plant (cây xác thối) và toad plant. Loài cây này có nguồn gốc từ các vùng sa mạc của Nam Phi đến Tanzania.

Cận cảnh hoa sao biển thối Stapelia gigantea

Cây này trông như thế nào ?

Thân cây thấp khoảng 20 cm, mọng nước, mọc thành cụm, màu xanh lá và dày khoảng 3 cm. Hoa kích thước khủng, đường kính lên tới 25 cm với cánh lớn rất giống hình con sao biển. Hoa màu đỏ và vàng, bề mặt nhăn nheo với nhiều lông dài tới 8 mm. Hoa nở vào mùa thu vì S. gigantea là cây ngày ngắn.

Hoa của cây tỏa ra mùi thịt thối rữa thu hút lũ ruồi đến thụ phấn cho chúng; các hợp chất chịu trách nhiệm về mùi của hoa bao gồm các diamine (putrescine và cadaverine), các hợp chất của lưu huỳnh và các phân tử phenol khác nhau. Cần tránh đặt cây này trong phòng bếp hoặc những địa điểm tổ chức ăn uống vì mùi hôi thối tỏa ra từ cây này không hề dễ chịu chút nào.

Có một số ý kiến giải thích cho kích thước lớn bất thường về hoa của S. gigantea. Đầu tiên, có thể là chúng phát triển lớn để thu hút những con ruồi tới thụ phấn. Kích thước lớn và màu sắc của hoa kết hợp với mùi hôi thối đặc trưng đã sinh ra ảo giác cực mạnh khiến cho ruồi nghĩ rằng đó là một xác chết thực thụ và bay đến “thưởng thức”.

Lưu ý khi trồng

S. gigantea không chịu được nhiệt độ dưới 10°C trong khoảng thời gian dài, nên bắt buộc phải được trồng trong nhà ở vùng khí hậu ôn đới. Được biết S. gigantea đã vinh dự giành được giải thưởng Công trạng Làm vườn (Award of Garden Merit) của Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia Anh.

Vai trò sinh thái

S. gigantea có thể trở thành loài thực vật xâm lấn nếu được đưa vào những môi trường khô cằn và bán khô cằn, tuy nhiên người ta lại phát hiện thấy cây này khi mọc lại "vô tình"  tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái sinh của các loài cây bản địa phụ thuộc vào cây mẹ (nurse-dependent). Những loài cây này cần một môi trường nhỏ gọn phù hợp do cây khác tạo ra để có thể nảy mầm, phát triển và tồn tại một cách hiệu quả, tránh khỏi các tác động không mong muốn như bị động vật ăn cỏ tấn công hoặc khí hậu khắc nghiệt.

Nguồn tham khảo