Hoa huệ ngựa chết, tên tiếng Anh là dead horse arum lily (Helicodiceros muscivorus) là một loài cây cảnh có nguồn gốc từ đảo Corse, Sardegna và quần đảo Balearic, và cũng là loài duy nhất thuộc chi Helicodiceros. Sở dĩ loài cây này có tên gọi đặc biệt như vậy là bởi tổng thể hoa khi nở hệt như đang “mô phỏng” hậu môn của một con ngựa chết.
Đi kèm với hình dáng như muốn “vả” vào mặt người xem, hoa của H. muscivorus còn tỏa ra mùi trông chả khác gì mùi thịt thối, chuyên để “hấp dẫn” những con ruồi đang tìm kiếm xác thối với vai trò là loài thụ phấn. Là một trong số ít những loài thực vật sinh nhiệt (thermogenic plant) hiếm gặp, hoa huệ ngựa chết có thể tự làm tăng nhiệt độ của chính nó bằng cách sinh nhiệt (thermogenesis) giúp tăng cảm giác “chân thực” cho lũ ruồi mò tới. Lạ đời ở chỗ là hiện người ta vẫn còn đang nghiên cứu xem cách cây này có thể tự tạo ra nhiệt mà không nhất thiết phải phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường xung quanh.
Cụm hoa của H. muscivorus là một bông mo (spadix) dài được bao quanh bởi một lá mo (spathe) lớn, phủ lông dày nhìn như da thú, kết hợp với phần phụ bộ (appendix) lộ ra ngoài hệt như chiếc “đuôi” khiến ta không khỏi liên tưởng tới vùng hậu môn trên xác một con thú. 'Đuôi' này chạy thẳng xuống buồng hoa (floral chamber), móc nối với các hoa đực và hoa cái đã thụ tinh. Khi bổ dọc buồng hoa, ta sẽ thấy gần gốc bông mo là 2 đoạn mang nhiều hoa nhỏ, đơn tính với hoa đực phía trên và hoa cái phía dưới, xen kẽ chúng là các hoa bất dục (sterile flower) hay “gai” làm mồi nhử và chặn lối ra. Phần phụ bộ và hoa đực đều có khả năng sinh nhiệt, nhưng có kiểu thời gian khác nhau. Hoa đực thể hiện sự độc lập về nhiệt độ nhờ cơ chế sinh nhiệt phụ thuộc nhiều vào thời gian trong ngày hơn là nhiệt độ môi trường xung quanh. Ngoài ra, protein tách cặp (uncoupling protein hay UCP) được tìm thấy trong cả hoa đực và phần phụ bộ có chiều dài 1178 nucleotide trong mRNA không chứa đuôi poly-A và được cho là có 304 axit amin. Nó cũng sở hữu ba miền đặc trưng của nhà protein vận chuyển qua màng ty thể (thuộc họ SLC25), sáu miền bao màng và một miền liên kết nucleotide. Được biết, protein tách cặp đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản sinh năng lượng để tạo thành nhiệt.
H. muscivorus “vận dụng” sức nóng của mình để phát tán mùi hương na ná mùi thịt thối đi xa hơn trong không khí, “dỗ dành” những con ruồi 'háu ăn' tiếp cận phần phụ bộ ngay bề mặt lá mo để bắt đầu tham gia vào quá trình thụ phấn, mà ruồi thì đâu có phân biệt được đâu là xác chết thật, nên là cứ đâm đầu vào mà 'đánh chén', chẳng hạn như loài nhặng xanh (Lucilia sericata). H. muscivorus thụ phấn trong tối đa 2 ngày. Nhiệt độ cao nhất của loài cây này đạt đỉnh vào buổi trưa ngày thứ nhất. Với nhiệt độ phần phụ cao hơn 12,4 độ C so với nhiệt độ của môi trường xung quanh. Theo một quan sát, chỉ trong ngày 1, tám cây hoa huệ ngựa chết đã “mê hoặc” được tổng cộng 881 con ruồi đến 'thưởng thức'. Protein tách cặp làm trung gian trong quá trình sinh nhiệt, khi không hoàn thành quá trình tổng hợp ATP, thay vào đó, nó cho phép các điện tử đi vào ty thể mà không tạo ra ATP. Kết quả là tạo ra được nhiều năng lượng hơn sau đó phân tán thành nhiệt.
Hoa huệ ngựa chết có quá trình thụ phấn tự nhiên trong vòng hai ngày. Mỗi bông hoa chỉ có thể nhận phấn hoa trong một ngày và thường thì ngày đó các hoa đực chưa phát triển đầy đủ. Mặc dù hoa đực có thể cho phấn vào ngày hôm sau; thì ngược lại, hoa cái sẽ dần héo quắt và không thể tiếp nhận phấn hoa. Cả hai cơ chế này đều thuận lợi cho việc thụ phấn với nguồn phấn từ cây khác và không khuyến khích việc tự thụ phấn. Khi sẵn sàng thụ phấn, cây bắt đầu cơ chế tạo nhiệt riêng và tỏa ra thứ mùi hệt như mùi thịt thối. Mùi này thu hút những con ruồi tiến vào buồng hoa để thụ phấn. Khi ruồi đã vào bên trong, chúng sẽ mặc kẹt lại trong đó bởi những chiếc “gai” lớn chặn kín đường thoát. Nhưng không phải như bạn nghĩ là cây sẽ giết chúng, hoa huệ ngựa trắng vẫn sẽ để chúng sống. Những con ruồi bị nhốt ở trong vốn là những con ruồi mang phấn hoa từ những lần 'viếng thăm' trước đến những bông hoa khác, vô tình thụ phấn cho vô số hoa cái trong khi chúng đang cố gắng tìm một nơi để đẻ trứng. Ruồi sẽ vẫn bị nhốt qua đêm, những chiếc 'gai' vẫn dựng lên chắn lối ra cho đến khi hoa đực ở lối vào buồng bắt đầu tạo ra phấn hoa, đến lúc này thì hoa cái không còn tiếp nhận được phấn hoa nữa. Và cũng tại thời điểm đó, 'gai' bắt đầu héo và lũ ruồi có thể rời đi. Ngay khi ruồi rời đi, chúng cũng sẽ phải đi qua vô số hoa đực và lại được phủ đầy phấn hoa và cứ thế vận chuyển đến một cây khác. Một số loài nhặng có tham gia vào quá trình thụ phấn chẳng hạn như loài Calliphora vomitoria.
Helicodiceros muscivorus Engl..
Tác giả: Louis van Houtte (1810-1876) - Flore des serres et des jardins de l’Europe.
Ngày tạo: Năm 1849.
Nguồn: Wikipedia Commons.
Các giai đoạn khác nhau trong quá trình thụ phấn.
Tác giả: Frederick Depuydt.
Ngày tạo: Ngày 3, tháng 5, năm 2008.
Nguồn: Wikipedia Commons.
Helicodiceros muscivorus.
Tác giả: Göteborgs botaniska trädgård.
Ngày tạo: Ngày 19, tháng 3, năm 2007.
Nguồn: Wikipedia Commons.
Phần gốc của bông mo.
Tác giả: Frederick Depuydt.
Ngày tạo: Ngày 6 tháng 5, năm 2006.
Nguồn: Wikipedia Commons.
Cấu trúc bên trong của hoa trước khi nở.
Tác giả: Frederick Depuydt.
Ngày tạo: Ngày 3, tháng 5, năm 2008.
Nguồn: Wikipedia Commons.
Quả của cây.
Tác giả: Frederick Depuydt.
Ngày tạo: Ngày 14, tháng 6, năm 2014.
Nguồn: Wikipedia Commons.