Nhà vườn Hải Đăng

CHÈ KHỔNG LỒ

Về tên gọi

Tên gọi khác

Chè đại, ... [3]

Tên tiếng Anh

Đang tìm hiểu

Phân loại khoa học

Bộ (ordo)

Lamiales (Hoa môi)

Họ (familia)

Acanthaceae (Ô rô)

Chi (genus)

Trichanthera

Loài (species)

T. gigantea

Danh pháp hai phần

Trichanthera gigantea Humb. & Bonpl. ex Steud., Nomencl. Bot. [Steudel] 708, in syn.; Nees, in DC. Prod. xi. 218 (1821). [1][6]

Chè khổng lồ hay chè đại, tên tiếng Anh là trichanthera (danh pháp khoa học là Trichanthera gigantea Humb. & Bonpl. [1]) là một loài thực vật có hoa thuộc họ Ô rô (Acanthacea). Một số tên gọi trong các ngôn ngữ khác có thể ra như nacedero, naranjillo, yátago, aro blanco, rompebarriga, quiebrabarrigo, cajeto, fune, madre de agua, suiban, cenicero, tuno, palo de agua (Tây Ban Nha); beque, pau santo (Bồ Đào Nha), ... [2]

Nguồn gốc

Theo nghiên cứu của McDade năm 1983, cây có nguồn gốc từ vùng đồi núi Andean (Colombia), dọc theo các bờ suối, vùng đầm lầy từ Costa Rica đến miền nam Nam Mỹ. Ngoài ra, cây cũng được tìm thấy từ Trung Mỹ đến Peru và vùng hạ lưu sông Amazon.

Ở Colombia, chè khổng lồ được dùng làm cây thức ăn phổ biến cho gia súc ăn cỏ.

Năm 1990, giống cây này được nhập vào Miền Bắc Việt Nam, cho đến năm 1993 được nhân rộng ra nhiều tỉnh phía Nam và cho đến nay đã được phát triển mở rộng khắp các tỉnh của Việt Nam. [3]

Đặc điểm sinh vật học

Cây bụi thân gỗ sống lâu năm, có thể mọc cao 5 mét, đường kính 7 – 10 cm, nếu không thu cắt cây có thể mọc cao tới 15 mét với đường kính gốc 25 cm. Cây mọc thẳng, thân có nhiều mấu lồi nhỏ phân bố thẳng hàng dọc theo thân cây, tạo nên 2 - 4 đường bên ở 2 phía của thân cây. Trên thân cây có nhiều cành nhánh, các cành phát triển có chiều hướng thẳng. Khi còn non thân cây mềm mọng nước. Sau 6 tháng sinh trưởng thân hóa gỗ cứng phía ngoài, màu nâu, phía trong mềm nhưng không hoá bấc. Lá có màu xanh sẫm, khi khô lá ngả màu đen, lá cây mọc đối chéo chữ thập, lá đơn nguyên, dòn và hơi ráp. Phiến lá hình trứng thuôn dài và mũi nhọn về phía đỉnh lá với chiều dài 25 – 26 cm, rộng 13 – 14 cm, trên gân lá có lông tơ, cuống lá dài 1 – 5 cm. 

Năm 1990, giống cây này được nhập vào Miền Bắc Việt Nam, cho đến năm 1993 được nhân rộng ra nhiều tỉnh phía Nam và cho đến nay đã được phát triển mở rộng khắp các tỉnh của Việt Nam. [3]

Đặc điểm sinh thái

Cây thích ứng rộng trong vùng khí hậu nhiệt đới với lượng mưa trung bình từ 1,000 - 2,800 mm; trồng được ở độ cao từ 0 - 2000m so với mặt nước biển; phát triển tốt cả trên đất chua (pH = 4,5) và đất nghèo dinh dưỡng.

Theo Gomez and Murgueitio năm 1991, thân cây, thân cành nhánh chia theo các đốt từ gốc lên ngọn có độ dài các đốt dài từ 10 – 30 cm. Tại các đốt có khả năng mọc rễ mới, rễ mọc rủ xuống để hút nước và dinh dưỡng; cây có khả năng ra rễ ngay cả từ các mẩu lá nhỏ tuy nhiên lá không có khả năng tạo thành cây mới.

Cây có khả năng nhân giống vô tính rất nhanh, trong thời gian 6 tháng từ khi trồng từ 1 cây có thể nhân ra được 80 - 10 cây mới; là cây có phản ứng ánh sáng tán xạ nên khả năng đặc biệt phát triển dưới các bóng dâm nên cây có thể trồng xen với các cây ăn quả, cây công nghiệp, trồng làm hàng rào thậm chí trồng dưới tán cây chuối. [3]

Sử dụng chè khổng lồ

Cây được sử dụng chủ yếu làm thức ăn cho chăn nuôi (chủ yếu cho động vật ăn cỏ). Theo Arango (1990), ngọn lá T. gigantea có thể thay thế cám hỗn hợp với tỷ lệ 30% trong khẩu phần cho thỏ.

Theo Vasquez năm 1987 và Perez - Arbelaez năm 1990, chè khổng lồ được sử dụng làm thuốc để điều trị bệnh đau bụng, chứng sa ruột ở ngựa; duy trì nhau thai và tắc nghẽn ruột ở bò sữa.

Cũng theo nghiên cứu của (Vasquez, 1987), thân cây non có thể dùng làm thuốc điều trị viêm thận, rễ cây là thuốc bổ máu, chồi búp non có thể sử dụng làm thức ăn cho con người. [3]

Thành phần hóa học

Các thành phần hóa học của lá chè đại trồng ở ba môi trường nắng, bóng râm và ngập nước được xác định trong ba dung môi là nước, methanol (Met) và ethanol (Eth). Kết quả khảo sát ghi nhận có 18 hợp chất hóa học trong lá chè đại gồm amino acid - protein, acid hữu cơ, betalain, carbohydrate, carotenoid, chất nhầy, coumarin, diterpenes, flavonoid, gum - nhựa, phenol, phlobatannin, phytosterol, polyuronid, saponin, tanin, tinh dầu và xanthoprotein. Chè đại trồng ở môi trường ngập nước ghi nhận được nhiều hợp chất hóa học nhất với 17 hợp chất, môi trường bóng râm có 15 hợp chất và môi trường nắng ghi nhận được 13 hợp chất. Các hợp chất gồm amino acid - protein, acid hữu cơ, carbohydrate, diterpenes, gum - nhựa, phenol, saponin, tinh dầu và xanthoprotein được tìm thấy trong chè đại trồng ở cả ba môi trường nắng, bóng râm và ngập nước.

Thành phần hóa học của lá chè đại có nhiều hợp chất chuyển hóa thứ cấp có hoạt tính sinh học và tác dụng dược lý đa dạng đã được chứng minh như coumarin, flavonoid, phenol, saponin, tanin (Sundowo et al., 2017). Flavonoid là hợp chất với nhiều tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, chống ung thư, giảm đau, kháng virus, chống dị ứng, kích thích miễn dịch (Ramamurthy và Sathiyadevi, 2017) (Madike et al., 2017). Các phenol thực vật có khả năng chống oxy hóa, kháng viêm, kháng u, kháng khuẩn (Wahab et al., 2018), (Madike et al., 2017). Các nghiên cứu đã công bố tannin kháng u, kháng virus (Iqbal et al., 2015),  kháng oxy hóa (Ramamurthy và Sathiyadevi, 2017), lành vết thương (Babu và Savithramma, 2013) (Arunakumar và Ranjith, 2020). Các coumarin có khả năng kháng viêm, chống đông máu, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus, kháng ung thư, chống dị ứng, giảm đau, hạ sốt (Leal et al., 2000; Jain & Joshi, 2012; Marcus et al., 2019). Ngoài ra, trong thành phần hóa học của lá chè đại còn có nhiều hợp chất cần thiết cho  sự sinh trưởng và phát triển ở động vật như amino acid, carbohydrate và carotenoid. Các amino acid có vai trò quan trọng trong chế độ ăn, cần thiết cho sự tồn tại, tăng trưởng, phát triển, sinh sản và sức khỏe của động vật (Wu, 2014; Wu et al., 2014). Carbohydrate là hợp chất hữu cơ đóng vai trò là nguồn năng lượng chính trong khẩu phần thức ăn cho vật nuôi (Navarro et al., 2019). Carotenoid có những vai trò quan trọng như tiền chất của vitamin A, chống oxy hóa, tăng cường khả năng miễn dịch và cần thiết trong quá trình sinh sản của động vật (Maoka, 2020). Việc phân tích và xác định đặc tính của các hợp chất có hoạt tính sinh học từ thực vật là quan trọng để xác định giá trị dược liệu của chúng (Sasidharan et al., 2010). Kết quả phân tích thành phần hóa học của lá chè đại cho thấy có nhiều tiềm năng trong việc bổ sung vào khẩu phần ăn của vật nuôi giúp vật nuôi tăng cường hệ miễn dịch, sinh trưởng và phát triển tốt. [4]

Kỹ thuật nhân giống bằng hom

1. Cây lấy hom

Vườn cây lấy hom được trồng theo hàng với khoảng cách 1 mét, cây cách cây 0,7 mét. Trước khi trồng nên bón lót mỗi hố 0,5 kg phân chuồng hoai và 0,1 kg phân vi sinh. Thời vụ trồng vào đầu mùa mưa (ở các tỉnh phía Bắc là vụ xuân và vụ thu, ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là tháng 6 - 7).

Cây giống phải được chăm sóc bảo vệ cẩn thận, không để sâu bệnh và gia súc phá hoại, hàng tháng làm cỏ vun gốc cho cây giống. Sau 1 - 2 năm khi cây giống đã sinh trưởng tốt thì phải xác định thời gian lấy hom giống để tiến hành bấm đọt non (trước khi lấy giống 1 tháng) để đảm bảo cho việc lấy hom làm giống.

2. Xây dựng khu giâm hom (vườn ươm)

Khu giâm hom là nơi để sản xuất và huấn luyện cây hom. Khu giâm hom được xây dựng có mái che bằng lưới có độ che 40 – 60% ánh sáng,  cao cách mặt đất 2,2 mét.

  • Bầu ương nuôi cây: Ta dùng bầu nhựa, kích thước bầu 9 - 10 cm x 19 - 20 cm, đục 6 - 8 lỗ thoát nước đường kính 4 - 5 mm ở nửa gần đáy bầu.

  • Đất dùng ươm phải là đất mặt 10 – 15 cm, tơi xốp hàm lượng chất hữu cơ trên 3%, không lẫn tạp rễ cây, đá sỏi. Đất mặt được trộn với phân hữu cơ và phân lân theo tỷ lệ sau: 0,8 mét khối đất + 0,2 mét khối phân chuồng hoai + 5 - 6 kg lân nung chảy hoặc 4 - 5 kg supe lân hoặc 15 - 20 kg lân hữu cơ vi sinh.

  • Xử lý mối hại hom giống: Xử lý mối bằng cách sử dụng một số loại thuốc chống mối (Vibasu 10GR; Vibam 5H hoặc Basudin 10H, ...)

3. Kỹ thuật cắt cành và giâm hom

Dùng kéo hoặc dao sắc để cắt cành từ vườn giống. Việc cắt cành phải tiến hành vào buổi sáng. Cành đã cắt phải được bảo quản nơi râm mát hoặc ngâm gốc cành vào nước.

Cành đã cắt sẽ dùng kéo, dao sắc cắt thành hom để giâm. Chiều dài hom 10 – 20 cm, mỗi hom có 2 - 3 mắt. Hom đã cắt cần được giâm ngay hoặc giữ hom nơi râm mát, có phủ khăn ẩm để không bị khô. Hom cắt lần nào phải cấy ngay lần ấy, không được để hom lâu. Hom được cấy trực tiếp vào bầu đất. Mỗi bầu cấy 1 - 2 hom, độ sâu cấy hom khoảng 7 – 10 cm (1 mắt nằm dưới đất).

4. Thời điểm giâm hom

Thời điểm giâm hom phụ thuộc vào điều kiện thời tiết của từng vùng, tránh giâm hom vào những thời điểm có lượng mưa lớn (làm thối hom). Tốt nhất ươm cây con vào cuối mùa khô và trồng vào đầu mùa mưa.

Nguyên tắc chung là giâm hom phải được thực hiện trước khi trồng 1 - 2 tháng, nếu giâm hom trước quá lâu thì phải có biện pháp hãm cây.

5. Chăm sóc cây con

Tưới nước đầy đủ theo nguyên tắc cây nhỏ tưới ít nhưng chu kỳ ngắn, cây lớn tưới lượng nước nhiều hơn với chu kỳ dài. Nhổ cỏ, xới váng mặt bầu vệ sinh vườn ương là những chăm sóc tiến hành thường xuyên.

Huấn luyện cây: Kể từ khi cây có 1 - 2 cặp lá thật, điều chỉnh giàn che để tăng dần ánh sáng và sau đó dỡ giàn che hoàn toàn (giai đoạn này cần tưới nước nhiều hơn) tránh hiện tượng nắng cháy lá và khô bầu.

Tiêu chuẩn cây đem trồng: Cây không bị sâu bệnh, không có ngoại hình lạ, bầu đất còn nguyên vẹn, hom lên chồi ít nhất 2 - 3 cặp lá và cây được huấn luyện ngoài ánh sáng hoàn toàn từ 10 – 15 ngày trước khi trồng. [5]